Nuôi lợn trong khu dân cư sẽ gây nên ô nhiễm môi trường sống
Xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi tôi sống là vùng đất thuần nông. Xưa kia đất rộng người thưa, mỗi hộ có tối thiểu một sào vườn (1.000 m2). Vì cám gạo và rau lang, cây chuối rất sẵn nên hầu như nhà nào cũng làm ở góc vườn cái chuồng lợn, thả vào đấy vài con để chúng ăn cơm thừa canh cặn và có thêm thu nhập sau mỗi lứa bán ra. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ này chẳng ảnh hưởng gì đến môi trường lẫn sinh hoạt của người xung quanh.
Nguồn nước giếng bị ô nhiễm, chụp tại ấp Vĩnh An, xã Bình Giã. |
Tuy nhiên, hiện nay, nông thôn quê tôi cũng như nhiều nơi khác dần đô thị hóa. Khoảng 15 năm lại đây, dân tứ xứ các nơi kéo về lập nghiệp tìm kế mưu sinh, bởi đất đỏ bazan rất phù hợp với cây tiêu. Dân địa phương cũng theo đà tăng nhanh, khiến mật độ dân số dày đặc. Trong khi đó, đất đai thì không thể nở ra, nên buộc lòng nông dân phải chia năm xẻ bảy mảnh vườn đang sở hữu. Người thì cắt bán bớt vì đất đến hồi có giá, người thì chia cho con sau khi thành thân. Thế là những thửa vườn rộng rãi trước đó giờ manh mún, căn hộ dạng nhà ống như ở chốn thành thị thi nhau mọc lên ken dày, không gian bị thu hẹp lại dần.
Một điều lo ngại là dẫu nông dân khắp nơi trong cả nước đang trên đà tiến lên nếp sống mới, thì tại quê tôi, nhiều “hai lúa” tư duy vẫn chây ỳ tại chỗ, không chịu thay đổi nhận thức cho phù hợp với biến chuyển của thời đại. Điển hình là họ vẫn cứ duy trì thói quen nuôi lợn sau nhà y như là thời vườn rộng người thưa vì thời nay nuôi lợn bằng thực phẩm công nghiệp không tốn công nấu cám, lại có cả điện chạy máy bơm nước nên không ngại chuyện tắm rửa cho chúng.
Nhà nhà sát vách nhau ba mặt, người và lợn chỉ cách vài chục bước chân, thế là mùi phân lợn tràn ngập khắp không gian do không mấy ai chịu xử lý đúng quy trình, lại sợ phải bỏ thêm tiền đầu tư hầm biogas, thuốc khử. Người ta để phân lợn hòa cùng với nước sau khi tắm cho chúng chảy tràn lan trên mặt đất. Thứ nước độc hại ấy ngấm dần xuống mạch nước ngầm, thế là giếng nước vốn được tiếng trong veo, tinh khiết bây giờ không ai dám nấu ăn, chỉ dùng cho việc giặt giũ, tắm rửa. Nông thôn quê tôi giờ phải dùng nước máy, mua nước bình về uống, hết sức “đắng lòng”!
Chủ nhân chuồng lợn hàng ngày hít thở không khí ô uế quen mũi nên không nhận thấy. Chỉ tội cho những hộ không nuôi lợn phải hứng chịu “nỗi bất hạnh” từ nhà hàng xóm xông qua. Có điều, do truyền thống dân tộc ta xưa nay vốn trọng tình làng nghĩa xóm nên dường như ai cũng cam chịu, chẳng kiện cáo vì e gây ồn ào mất đoàn kết.
Mỗi lần có bạn bè từ thành phồ về chơi, nhất là khi anh em tôi ở hải ngoại về thăm, mới thấy khổ tâm và lúng túng, vì nhà mình chỗ nào cũng được xông mùi lợn. Dọn tiệc đãi, chủ lẫn khách ngó nhau nói chuyện nhiều hơn ăn, vì làm sao nuốt nổi miếng ngon trong bầu khí thum thủm thế này.
Chưa dừng ở đây, điều đáng rùng mình là có nhiều người nuôi lợn ích kỷ, thiếu ý thức giữ vệ sinh môi trường nên thỉnh thoảng đêm hôm đem lợn chết quăng ra đường, miễn sao nhà mình sạch sẽ.
Để xảy ra tệ nạn đầu độc môi trường thế này, một phần lỗi thuộc về phía chính quyền địa phương: do không quan tâm sâu sát đến mọi sinh hoạt và sự phát triển chăn nuôi trong khu dân cư, thiếu cương quyết ngay từ đầu đối với những hộ bành trướng chuồng trại và con giống… Họ bị người nuôi lợn đặt vào thế bị động, bởi lỡ để người dân tự do đầu tư khá nhiều tiền vào chuồng trại nên giờ không dám mạnh tay.
Theo tôi, Chính quyền không thể mềm yếu với bất kỳ sai phạm nào nơi người dân. Không thể để những kẻ vì tư lợi mà triền miên tháng ngày đầu độc bầu khí trong lành, bắt những người xung quanh phải chết lần mòn vì sự ô nhiễm.
Để dung hòa, chính quyền nên địa phương nên ra thông báo cho các hộ chăn nuôi trong khu dân cư biết sai phạm, cho họ có thời gian nhất định giải quyết hết số lợn trong chuồng và dọn vệ sinh phân tồn đọng. Khi hết hạn, lập đoàn kiểm tra đánh giá, xử phạt thật nặng những hộ nào cố chấp xem thường. Những hộ nào muốn chăn nuôi, phải có đất ngoài đồng trống xa khu dân cư, bảo đảm được các tiêu chí vệ sinh môi trường thì cấp phép.
Leave a Reply