Mảnh ghép đầu tiên mang tên “khói bụi”
Chúng xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như công trình xây dựng, phương tiện giao thông, sinh hoạt thường nhật của con người… Trong đó, giao thông là tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất do sự ảnh hưởng của việc phát triển trái chiều giữa số lượng và chất lượng phương tiện tham gia giao thông. Nó chiếm 70% tổng lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Lượng khí thải độc hại thải ra môi trường ngày càng lớn, tăng theo cấp số nhân. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn (năm 2012). Ô nhiễm nói chúng và khói bụi nói riêng có ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe con người vì tác động âm ỉ của chúng trong thời gian dài. Do vậy, xử lý ô nhiễm là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng.
Ý tưởng “Ngày không khói bụi” xuất phát từ thực trạng của thành phố Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung. Giờ cao điểm là giờ của ùn tắc, giờ của khói bụi. Bạn đã từng than vãn về hàng xe ùn dài trước mặt trong giờ tan tầm hay cảm giác khó thở, ngột ngạt bởi sự tấn công của hàng loạt khí độc: CO2, CO, SO2… vào hệ hô hấp? Tôi tin không dưới một lần bạn từng như thế!
Vậy tại sao ngay bây giờ chúng ta không cùng nhau tiêu diệt khói bụi, đầy lùi ô nhiễm? Tưởng chừng chỉ là hành động nhỏ bé nhưng bạn đã góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, cũng như cuộc sống của chính bạn.
Theo số liệu từ Đại sứ quán Pháp, Hà Nội là thành phố có tỷ lệ người dùng phương tiện công cộng thấp nhất châu Á. Trong khi đó, Hà Nội lại có đến 4 triệu phương tiện cá nhân (năm 2012). Giải pháp luôn tồn tại ngay trong vấn đề. Vậy tại sao chúng ta không giảm số lượng và nâng cao chất lượng phương tiện cá nhân? Hay tích cực tham gia sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển đến trường học, cơ quan?
Khói bụi làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. |
Tuy nhiên, tình trạng giao thông công cộng của nước ta hiện nay là một vấn đề còn nhiều bức xúc. Thật khó chịu khi phải chen lấn, xô đẩy trên những chiếc xe buýt vào những ngày nắng nóng, hay ngán ngẩm chờ đợi hàng giờ vì những chuyến xe bỏ bến, tệ hơn là tình trạng móc túi, trộm đồ hay thái độ bất lịch sự của phụ xe hay tài xế.
Nếu khắc phục được những điểm yếu trên, cộng thêm việc tăng cường các tuyến xe buýt vào giờ cao điểm, có lẽ ai cũng sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng như một thói quen di chuyển thường xuyên, đều đặn. Bởi lẽ chắn hẳn bạn cũng không hứng thú với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, hay sự cố rủi ro bất chợt trên đường phố. Hơn nữa đứng trước thực trạng cạn kiệt nhiên liệu, giá xăng dầu leo thang, việc sử dụng phương tiện công cộng là một đề xuất hợp lý, đáng xem xét.
Để giải quyết vấn đề trên, không thể thiếu sự can thiệp, tác động của Nhà nước, các cơ quan chức năng, có thẩm quyền. Trước hết, chúng ta cần nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, đồng thời, kiểm tra, thắt chặt quy định với các phương tiện cá nhân, đảm bảo chất lượng yêu cầu trong quá trình sử dụng, cần xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan, lực lượng chức năng nên có những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe và an ninh giao thông công cộng; nhanh chóng phát hiện và xử phạt các trường hợp lợi dụng phương tiện công cộng nhằm mục đích thu lợi cá nhân. Song song với đó, ý thức chấp hành đúng luật lệ từ chính những người sử dụng phương tiện công cộng là một yếu tố quan trọng. Một hành động nhỏ của bạn và chúng tôi hôm nay sẽ góp phần to lớn đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Leave a Reply