Người đàn ông Hồng Kông (nghe điện thoại) tự nhận mình tên Giang trực tiếp cân banh lông sáng 22-5 ở cảng cá An Thới (Phú Quốc) – Ảnh: K.Nam
Nhiều người lo ngại banh lông – loài sinh vật biển có hình dạng như trái banh nhỏ sống vùi sâu dưới bùn đáy biển – sẽ lại chung số phận với cơn sốt cá cơm từng diễn ra tại khu vực này đầu năm 2013, nhưng hậu quả nặng nề hơn do đáy biển bị ngư dân xới tung lên để đánh bắt banh lông.
Đổ xô đánh bắt, mua bán banh lông
Sáng 22-5 tại điểm thu mua banh lông ở cảng cá An Thới, hai thương lái Hồng Kông đi cùng một người Việt trực tiếp đến vựa mua hàng. Trao đổi với chúng tôi, người đàn ông Hồng Kông nói sõi tiếng Việt tự giới thiệu tên Giang (nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, người này tên Dương Siêu Thuận, quê tỉnh Quảng Tây và sử dụng hộ chiếu du lịch phổ thông) giải thích con banh lông được mua nhiều với giá cao là do ăn rất bổ, nhưng phải hầm rất lâu mới ăn được.
“Con banh lông sau khi đóng thùng tại An Thới sẽ đưa xuống tàu chở về Hà Tiên rồi đi tiếp lên TP.HCM để tập kết trước khi xuất sang Hồng Kông” – người này nói. Toàn bộ hoạt động vận chuyển, cân, ướp muối, đóng thùng, chung tiền diễn ra rất nhanh. Sau mỗi con số 33, 30, 32 (kg) của từng sọt banh lông là những cục tiền mệnh giá 200.000 đồng, 500.000 đồng được trao trực tiếp tại quán cà phê đối diện chỗ cân.
Một nhân viên tại vựa hải sản Nhung Một, do bà Ngô Thị Cẩm Nhung làm chủ, cho biết giá banh lông hôm nay đã giảm 15.000 đồng/kg so với hôm qua, chỉ còn 205.000 đồng/kg, lại phải đóng thùng xốp, dán băng keo kín để họ chở đi xa. “Tụi tui kinh doanh hải sản nên cái gì có lời là làm. Loại này mua đứt bán đoạn ngày nào hay ngày đó nên không nói trước được gì hết. Giá cả cũng vậy, lên xuống rất thất thường” – nhân viên này nói.
Vừa rửa số banh lông chuyển từ dưới tàu lên bờ, ông Phan Thanh Bình (ngụ thị trấn An Thới) cho biết sau 15 ngày đi cào ở vùng biển cách bờ khoảng 100 hải lý, tàu của ông thu về được hơn 1 tấn banh lông. Giá bán ra 220.000 đồng/kg, trừ hết chi phí ông Bình còn lời gần 2 tỉ đồng. “Có chuyến phải đi gần một tháng mới vô do thời gian qua bị khai thác quá nhiều, nhưng thu nhập rất tốt nếu trúng” – ông Bình nói.
Ông Phạm Hữu Sinh (56 tuổi, ngụ khu phố 1, thị trấn An Thới) cho biết do đánh cá cơm từ sau tết đến nay toàn lỗ vốn, trong khi đánh bắt banh lông trúng lớn nên gia đình ông vừa gom góp tiền bạc và vay mượn thêm để chuyển chiếc tàu đánh lưới cá cơm thành tàu cào banh lông. “Mỗi họng cào bằng sắt tui đặt ngoài Hà Tiên (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) tốn 7 triệu, đặt ở đây thì 10 triệu đồng. Tàu tui tải trọng 30 tấn lắp hai họng cào, hi vọng sau một chuyến biển sẽ thu lại vốn” – ông Sinh nói.
Trung tá Quảng Trọng Bình – đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu cảng An Thới – cho biết hiện nay chỉ riêng số phương tiện cào banh lông tại An Thới ước tính lên tới gần 600 tàu, trong đó chủ yếu là tàu của ngư dân miền Trung (Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…) đổ về vùng biển này đánh bắt banh lông, nhiều ngư dân địa phương cũng chuyển từ đánh bắt cá sang banh lông.
Xới nát đáy biển
Anh Võ Thanh Hải (39 tuổi, quê huyện An Biên, Kiên Giang) – ngư dân đi tàu cào đôi – bày tỏ hơn 10 năm đi biển chưa từng thấy loại cào nào khủng khiếp như cào banh lông. Mỗi họng cào banh lông là một rọ thép dài 3-5m, đáy uốn cong, miệng hở, một bên đục lỗ dọc theo khung thép để xỏ hàng loạt gai sắc nhọn tua tủa dài chừng 20cm bằng thép, đường kính 8mm.
Theo lời anh Hải, với tàu cào đôi bình thường gần như toàn bộ sinh vật từ gần đáy tới sát mặt biển đều đã rất khó thoát. Còn với họng cào banh lông thì đáy biển chắc chắn sẽ bị xới tung lên hết. “Trước đây thỉnh thoảng cào trúng banh lông tụi tui lượm bỏ ra. Nhưng chuyến này biết có người mua nên lượm đem ướp muối. Hồi chiều mới xách lên bán cho vựa Phương Các, mỗi đứa trong nhóm tui được hơn 500.000 đồng” – anh Hải cho hay.
Nhiều người dân An Thới cho biết chưa từng ăn con banh lông lần nào, cũng như không biết chế biến làm sao để ăn. Nhưng do nhiều thương lái Hồng Kông đến thu gom với giá cao nên các tàu đua nhau chuyển sang đánh bắt loại hải sản này. Tuy nhiên, nhiều ngư dân lâu năm bày tỏ lo ngại tình trạng khai thác tràn lan theo kiểu tận diệt của các tàu khai thác banh lông là nguy cơ đe dọa đối với nguồn lợi thủy sản.
Ông Hồ Kim Bá – một ngư dân kỳ cựu tại An Thới – cho rằng có lẽ các họng cào banh lông dùng gai sắt bới tung đáy biển làm đục nước nên mực trồi lên trên mới đánh bắt trúng dữ hơn bình thường. Trong khi đó nhiều loại cá trở nên khan hiếm vì mất chỗ cư ngụ, sinh sản.
TS Nguyễn Văn Long – Viện Hải dương học tại Nha Trang – cũng nhận định việc cào xới đáy biển như vậy thì chắc chắn toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy bùn dưới biển sẽ bị phá hủy. “Chưa kể bùn bị khuấy lên sẽ theo các dòng hải lưu trôi tấp vào các rạn san hô làm biến dạng môi trường sinh thái của hàng ngàn loài sinh vật biển khác” – TS Long khẳng định.
Hậu quả khó lường về môi trường
Theo TS Nguyễn Văn Long, banh lông thuộc họ hải sâm, có giá trị dinh dưỡng rất cao. So với hải sâm, banh lông (ảnh) có hệ cơ dày hơn, cứng hơn nên giá trị càng cao. TS Nguyễn Văn Long bày tỏ lo ngại rằng việc chậm đánh giá tác động môi trường biển của việc cào banh lông, để đáy biển bị xới tung sẽ gây hậu quả rất khó lường về môi trường, việc phục hồi hệ sinh thái đáy biển sẽ rất khó khăn.
Ông Quảng Trọng Thao – phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – cho biết đã lấy mẫu banh lông gửi giám định để xác định họ, loài. Trước mắt, kết quả giám định chỉ cho biết banh lông thuộc họ hải sâm, nhưng vẫn chưa thể xác định banh lông thuộc loài nào. “Đây là loài chưa có tên trong danh mục được phép khai thác, sở đã chỉ đạo chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát nắm lại tình hình, tuyên truyền người dân không nên vì hám lợi trước mắt mà đổ xô đi cào banh lông” – ông Thao nói.
Leave a Reply