Phương pháp giảm thiểu ô nhiễm làng nghề để phát triển du lịch
Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của từng vùng miền, địa phương.
Hiện nay, các địa phương trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đều coi du lịch làng nghề là hướng đầu tư quan trọng trong phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, đối với Hà Nội hiện nay, ô nhiễm làng nghề đang là mối đe dọa với môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư, sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, doanh thu của ngành này cũng bị tụt giảm khi nhiều du khách “một đi không trở lại” vì thất vọng bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của làng nghề thủ công trên địa bàn Thủ đô.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, với hàng chục nhóm ngành nghề đang phát triển mạnh như: gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, sơn mài, mây tre đan, dát vàng bạc quý, đúc đồng, chế biến nông sản, cơ khí… Đến nay, nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước, đã được du khách biết đến và trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã…
Thời gian qua, nhiều công ty du lịch lữ hành đã triển khai các tour đưa du khách đến tham quan nhiều điểm làng nghề nổi tiếng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện, việc phát triển tour du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô còn nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường.
Theo quan trắc môi trường không khí tại 46 làng nghề của Hà Nội, gần 98% làng nghề có từ một chỉ tiêu chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép; 100% số lượng làng nghề đều có từ một chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn… Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang có xu hướng tăng.
Ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, Coliform vượt hàng chục lần đến hàng trăm lần quy chuẩn. Nước mặt ở làng nghề dệt nhuộm cũng bị ô nhiễm nặng.
Theo số liệu quan trắc của Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp gần đây, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ khí SO2 tại làng nghề mây tre giang và chế biến nông sản thực phẩm cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Làng nghề phải có những biện pháp bảo vệ môi trường để níu chân khách du lịch. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, tại làng nghề gỗ Vân Hà và Liên Hà, hàm lượng các chất hữu cơ dễ bay hơi cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 đến 5 lần, nhiệt độ ở làng gốm Bát Tràng cao hơn xung quanh từ 1,5 đến 30 độ C; hai làng nghề Xuân Phương và Dục Tú tiếng ồn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 3 – 4 lần…
Do vậy, để thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển Hà Nội, chúng ta cần có những động thái tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở các làng nghề theo bước đi và lộ trình phù hợp.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nên phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn triển khai giải pháp giúp làng nghề khắc phục tình trạng ô nhiễm như: xây dựng “quy định quản lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố”, tạo hành lang pháp lý để các làng nghề và từng hộ dân thực hiện nghiêm túc quy định về bảo đảm môi trường trong phát triển kinh tế làng nghề.
Mục tiêu phấn đấu trong một vài năm tới, Hà Nội đạt chỉ tiêu 100% làng nghề có quy chế quản lý môi trường; hoàn thành việc xây dựng thí điểm một dự án xử lý nước thải ở một làng nghề. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý hoàn thiện “Quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, cần dành quỹ đất phù hợp cho phát triển cụm công nghiệp làng nghề. Việc quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường lớn tại làng nghề ra khu sản xuất tập trung rất đáng lưu tâm.
Bên cạnh đó, chính quyền có thể xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ các phương tiện sản xuất bằng máy móc; triển khai dự án trình diễn mô hình quản lý môi trường cho làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai)…
Tiềm năng du lịch làng nghề của Hà Nội rất lớn. Việc khai thác những tiềm năng, phát huy nội lực của làng nghề sẽ tạo ra “món ăn lạ miệng” với du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch làng nghề còn là phương thức hữu hiệu để quảng bá văn hóa truyền thống, thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng.
Chính vì thế, việc tìm và ứng dụng các phương hướng, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội là một vấn đề lớn, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành du lịch, mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban ngành và người dân.
Leave a Reply